DINH DƯỠNG CHO CÂY CÀ PHÊ

DINH DƯỠNG CHO CÂY CÀ PHÊ

DINH DƯỠNG CHO CÂY CÀ PHÊ

DINH DƯỠNG CHO CÂY CÀ PHÊ

DINH DƯỠNG CHO CÂY CÀ PHÊ
TRANG CHỦ / Dinh dưỡng cho cây cà phê

Dinh dưỡng cho cây cà phê

Phương pháp bón phân cho cây cà phê

1. Nhu cầu về chất hữu cơ

a. Chất hữu cơ

Chất hữu cơ là hỗn hợp xác bã động, thực vật phân hủy thành những hạt xốp chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng (còn gọi là mùn)

Trong đất trồng trọt bao giờ cũng có hàm lượng chất hữu cơ nhất định. Đất mới khai phá có tỷ lệ hữu cơ khá cao và giảm dần theo thời gian và thời vụ canh tác.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp, lúc mới khai phá, hàm lượng chất hữu cơ trong đất Tây Nguyên ban đầu là 5.5%, sau 4 năm canh tác thì chỉ còn 1.7%.

b. Tầm quan trọng của chất hữu cơ

Đặc tính của chất hữu cơ là làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm; là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có ích trong đất phát triển. Khi chất hữu cơ không còn nữa thì hệ vi sinh vật có ích cũng mất đi, đất trở nên bó chặt và chai cứng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hóa học một cách tùy tiện và không cân đối khiến cho đất bị chua (độ PH thấp), hoạt tính của đất mất đi, sự trao đổi chất giữa cây và môi trường thông qua đất bị hạn chế, làm cho sự phát triển của cây bị đình trệ, thể trạng suy yếu nên dễ bị sâu bệnh gây hại, năng suất kém, và không có tính bền vững.

c. Biện pháp quản lý chất hữu cơ

Cỏ và rễ cây của chúng có vai trò nhất định trong việc chống rửa trôi hữu cơ và đốt cháy hữu cơ. Ngoài ra, chúng có vai trò bù đắp lại hữu cơ cho đất. Do vậy, không sử dụng thuốc trừ cỏ mà chỉ làm cỏ bằng tay, hoặc dùng máy để phát cỏ. Không gom cỏ và lá cây để đốt mà nên ép xanh hoặc dồn đống để ủ phân hữu cơ vi sinh. Như vây, dinh dưỡng mà cỏ lấy từ đất sẽ được trả lại cho đất, đồng thời vẫn bảo toàn được nguồn hữu cơ trong đất.

2. Cách bón phân hữu cơ

Cà phê trồng mới được bón lót phân hữu cơ theo liều lượng ở phần trồng mới. Trong những năm kiến thiết cơ bản và kinh doanh thì cứ 2 – 3 năm bón lại một lần với liều lượng 20 – 30 m³/ha. Để tránh áp lực về nhu cầu phân bón hữu cơ, có thể bón phân hữu cơ hàng năm, mỗi năm bón 10 m³.

Đối với cà phê chưa giao tán, đào rãnh theo hình chiếu của tán cà phê sâu 20 – 25 cm, rộng 25 – 30 cm ( có thể đào khoảng ¼ - ½ theo chu vi tán).

Đối với cà phê kinh doanh đã giao tán thì có thể đào rãnh giữa 2 hàng cà phê. Nếu năm nay đào theo chiều ngang thì sang năm đào theo chiều dọc. Nếu lượng phân hữu cơ không nhiều thì đào 1 hàng bỏ 1 hàng, lần bón sau đào tiếp hàng còn lại. Kích cỡ rãnh đào cũng tương tự như đã trình bày trên.

Sau khi đã đào rãnh, bỏ phân xuống. Nếu ép thêm tàn dư thực vật (lá cành) trên lô, hoặc thân lá các loại cây họ đậu xuống rãnh thì nên mỗi hố có thể bón thêm từ 200 – 500 g lân nung chảy và một ít đạm để tăng nhanh tốc độ phân giải. Sau đó lấp đất lại. Việc bón phân hữu cơ nên được tiến hành trong khoảng thời gian từ đầu cho tới giữa mùa mưa.

    Lưu ý :

Không nên bón phân hữu cơ chưa hoại mục. Bởi vì trong phân chuồng tươi còn có nhiều hạt cỏ dại, nhiều kén nhộng, côn trùng, nhiều bào tử nấm, xạ khuẩn, vi khuẩn, và tuyến trùng gây bệnh. Việc ủ phân nhằm sử dụng nhiệt độ tương đối cao trong quá trình phân hủy chất hữu cơ vừa để tiêu diệt hạt cỏ dại và mầm mống sâu bệnh, vừa để thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hóa. Như vậy, khi bón vào đất, phân hữu cơ mới có thể nhanh chóng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

Không nên bón phân hữu cơ trên mặt đất, vì nếu bón trên mặt đất sẽ bị nắng thiêu đốt gây nên hiện tượng đốt cháy hữu cơ (tiêu diệt hệ vi sinh vật có ích) và bị rửa trôi. Nếu được chôn lấp và có độ ẩm nhất định thì sẽ tạo điều kiên thuận lợi để vi sinh vật có ích phát triển. Mặt khác, khi được chôn lấp thì chất hữu cơ dưới dạng những hạt mùn kết hợp với keo đất sẽ giúp giữ lại các khoáng chất dư thừa trong quá trình bón phân vô cơ để cung cấp dần cho cây, hạn chế được hiện thượng rửa trôi và bốc hơi của phân vô cơ.

3. Cách bón phân hóa học

NĂM THỨ 1

-        11 tấn phân chuồng + 220 kg vôi

-        Bón 13 kg u-rê + 50 kg ka-li (KCl)

-        Chia đều liều lượng trên ra bón làm 2 lần.

NĂM THỨ 2

Tưới lần 2 : SA 100 kg/ ha

Đầu mùa mưa: U-rê: 70 kg + ka-li 60 kg + lân nung chảy 650 kg.

Giữa mùa mưa : U-rê 80 kg + ka-li 60kg.

Gần cuối mùa mưa: U-rê 70 kg + ka-li 60 kg.

Tổng cộng cả năm: SA 100kg + u-rê 220 kg + ka-li 180 kg + lân nung cháy 650 kg.

NĂM THỨ 3

Tưới lần 2: SA 150 kg

Đầu mùa mưa: U-rê: 80 kg + ka-li 70 kg + lân nung chảy 650 kg

Giữa mùa mưa: U-rê 100 kg + ka-li 80 kg

Gần cuối mùa mưa: U-rê 80 kg + ka-li 70kg

Tổng cộng cả năm: SA 150kg + u-rê 260 kg + ka-li 220 kg + lân nung cháy 650 kg.

THỜI KÌ KINH DOANH

Tưới lần 2: SA 200 kg

Đầu mùa mưa: U-rê: 150 kg + ka-li 130 kg + lân nung chảy 650 kg

Giữa mùa mưa: U-rê 180 kg + ka-li 150 kg.

Gần cuối mùa mưa: U-rê 120 kg + ka-li 120 kg

Tổng cộng cả năm: SA 200kg + u-rê 450 kg + ka-li 400 kg + lân nung cháy 650 kg.

Khi năng suất cao hơn 3 tấn, ngoài lượng phân bón đã nêu trên, ta cần phải bổ sung thêm lượng phân bón cho 1 tấn nhân bội thu/ha như sau: 150 kg u-rê + 130 ka-li + 100 kg lân nung chảy.

Nếu dùng phân NPK hỗn hợp thì trong năm trồng mới và các năm kiến thiết cơ bản nên dùng các loại phân NPK có thành phần N và P cao, nhưng bắt đầu từ khi vườn cà phê cho nhiều quả nên dùng các loại phân NPK có thành phần N và K cao ngang nhau, lân thấp hơn. Ví dụ, ta có thể bón như sau:

Trồng mới : Loại phân NPK 16-16-8: 350 – 400 kg/ha/năm (bón thúc 2 – 3 lần)

Năm 2: Loại phân NPK 16-16-8: 700 – 750 kg/ha/năm

Năm 3: Loại phân NPK 16-16-8: 950 – 1000 kg/ha/năm

Năm 4 và các năm kinh doanh: Loại phân NPK 16-8-16: 1500 – 1600 kg/ha/năm

Từ năm thứ 2, 3 và ở những năm kinh doanh, ta chia lượng phân trên ra làm 3 phần để bón trong mùa mưa, lần giữa mùa mưa bón nhiều hơn lần đầu và lần cuối. Vào mùa khô, bón bổ sung 200 kg u-rê khi tưới nước. Tương tự như khi bón phân đơn, khi năng suất vượt 3 tấn nhân/ha, lượng phân bổ sung cho 1 tấn nhân bội thu/ ha là 400 – 500 kg NPK (16-8-16).

    Cách bón phân vô cơ đa lượng

-       Đối với cà phê năm thứ 1

Trộn 550 kg lân nung chảy với 11 tấn phân chuồng và 220 kg vôi bột để bón lót trước khi trồng 1 tháng.

Căn cứ vào lượng phân bón của năm thứ nhất, chia 130 kg u-rê + 50 kg ka-li ( KCl) ra để bón làm 2 lần trong năm. Phân u-rê vả ka-li có thể trộn chung và bòn ngay, trước khi bón phải rạch rãnh rộng 10 – 20 cm sâu 5 – 7 cm quanh tán cây cà phê sau đó cho phân vào và lấp đất lại để tránh sự thất thoát phân do bị rửa trôi hoặc bay hơi trong trường hợp thời tiết bất lợi như nắng nóng hay mưa nhiều.

-       Đối với cà phê năm thứ 2 trở đi

Phân lân: Bón riêng và bón tất cả 1 lần vào đầu mùa mưa. Nên bón vào lúc trời khô ráo.

Phân đạm và phân ka-li có thể trộn chung và bón ngay vào các thời điểm trong mùa mưa, khi đất đủ ẩm. nếu trời không mua thì phải rạch rãnh rộng 20 – 30 cm sâu 5 – 10 cm quanh tán cây cà phê sau đó cho phân vào lấp lại.

Trong mùa khô phải bón phân với kết hợp tưới nước đầy đủ, bón đến đâu thì tưới ngay đến đó.

    Vôi và cách sử dụng

Vôi vừa có lợi vừa có hại nên cần sử dụng vôi sao cho có lợi nhiều nhất và có hại ít nhất.

Chỉ dùng vôi khi đất bị chua chứ không dùng cho mục đích cung cấp can xi.

Chỉ bón riêng lẻ chứ không nên trộn lẫn với các loại phân hóa học. Tốt nhất nên bón vôi sau khi thu hoạch.

Giai đoạn thích hợp để bón vôi như sau: bón sau đợt bón phân cuối cùng của vụ trước 1 tháng, hoặc bón trước đợt bón phân của vụ tới 1 tháng để vôi không gây tác động tiêu cực đối với các loại phân bón.

Coi chừng bón quá nhiều vôi!

Nếu đất có tính kiềm quá cao, sẽ khiến cây không hấp thụ được một số dưỡng chất như sắt, man-gan, kẽm, phôt-pho. Ngoài ra sẽ làm hạn chế quá trình phân giải của một số loại phân vốn chỉ tan trong môi trường a-xít yếu (hơi chua). Ngoài ra việc bón quá nhiều vôi có thể góp phần gây nên hiện tượng chai đất.

Tác dụng của vôi

-       Trung hòa a-xit và cân bằng độ pH, theo đó giúp đạt được năng suất cao nhất.

-       Làm cho lân dễ hấp thu hơn đối với cây trồng.

-       Ngăn chặn hiện tượng thiếu mô-líp-den.

-       Làm cho giun đất và những vi khuẩn cố định đạm hoạt động mạnh hơn, ngoài ra cũng giúp cho các vi khuẩn có trong phân hữu cơ nhả đạm, phốt-pho, sun-phua và các nguyên tố vi lượng để cây hấp thu.

-       Cải thiện hoạt tính của phân bón.

-       Ngăn chặn sự gia tăng độ độc của nhôm và man-gan.

-       Điều chỉnh sự thiếu hụt can-xi và ma-giê.

-       Cải thiện cấu trúc của đất sét nặng.

Đối với đất đỏ ba-zan tại các vườn cà phê hiện nay, độ pH khoảng 4,5 (thuộc loại hơi chua). Do vậy, việc bón vôi cho cà phê là rất cần thiết. Lượng vôi cần bón khoảng 0.5kg/cây và định kì 2 năm bón 1 lần là hợp lý.

    Lưu ý

-       Vôi, lân bón riêng, (không trộn chung với u-rê và ka-li) và bón vào lúc trời nắng và khô ráo.

-       Bón phân kết hợp tưới nước nếu đất không đủ độ ẩm.

-       Mùa khô nên bón phân kết hợp với tưới nước.

    Cách bón phân vi lượng

Đặc tính của phân vi lượng rất nhạy, nếu dùng liều lượng cao hơn hướng dẫn của nhà sản xuất có thể làm cây phát triển chậm lại, xoăn lá, rụng hoa hoặc chết.

-        Phân vi lượng đơn: như sun-phát ma-giê, sun-phát kẽm, sun-phát đồng, Bo (axit boric), sắt. Thời điểm bón phân thích hợp là sau khi cà phê ra hoa đậu trái khoảng 2 tháng.

-        Phân vi lượng tổng hợp ( còn gọi là phân bón lá): một số loại vi lượng phù hợp cho cây cà phê trên thị trường hiện nay được dùng để bón lá như: Komix, HCR, Nucafe.

Đối với cây cà phê, nên phun phân bón lá vào giai đoạn từ tháng 5 – 8 và giai đoạn sau thu hoạch là phù hợp nhất. Thông thường, nên phun vào thời gian từ 8 – 10 giờ và từ 16 – 17 giờ, phun đều trên và dưới mặt lá. Tránh phun phân bón lá vào lúc trời mưa và nắng gắt. Ngoài ra cần tuân thủ nghiêm túc liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả bón phân, cần bón theo nhu cầu của từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng, đảm bảo năng suất và tránh lãng phí, dù là phân bón đơn hay phân bón hữu cơ cần dựa theo nguyên tắc 5 đúng: đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng tỷ lệ và đúng cách.