Trước đây cây điều chỉ được xem là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc là cây trồng dành những khu vực đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng do ngành lâm nghiệp quản lý. Tuy nhiên quan điểm đó đã không còn phù hợp khi cây điều là cây trồng có giá trị xuất khẩu cao, mang nhiều ngoại tệ cho đất nước, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất trên thế giới. Như vậy khi cây điều được xem là cây công nghiệp phục vụ xuất khẩu thì việc trồng điều không thể không nghĩ đến biện pháp thâm canh đặc biệt là phân bón cho cây điều và phòng trừ sâu bệnh hại.
Nghiên cứu bón phân cho cây điều trên thế giới được thực hiện khá lâu, năm 1970-1974 các nhà khoa học ở Ấn Độ đã tiến hành thực hiện những nghiên cứu sơ khởi về dinh dưỡng đa lượng trên cây điều. Sau đó những nghiên cứu sơ khởi này đã được các nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của Ấn Độ tiến hành nghiên cứu tiếp.
Nhu cầu dinh dưỡng cho cây điều gồm những chất gì? Cơ sở để xác định nhu cầu dinh dưỡng và xây dựng chế độ bón phân cho cây điều?
Thứ nhất là phân hữu cơ: đây là loại phân bón thiết yếu cho hầu hết những cây trồng. Ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng thì còn có tác dụng cải tạo lý hóa sinh tính của đất. Những nghiên cứu cho thấy đối với cây điều trồng mới cần phải bón 10 tấn phân chuồng cho một ha sẽ giúp cây điều sinh trưởng và phát triển nhanh, cây khỏe.
Thứ hai là các nguyên tố đa lượng: giống như những cây trồng khác thì nguyên tố đa lượng cho cây điều gồm đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O). Trong những nguyên tố đa lượng này thì đạm là nguyên tố cây cần nhiều nhất, sau đó là kali và sau cùng là lân. Những nghiên cứu của các nhà khoa học ở Ấn Độ cho thấy lượng phân đạm có phản ứng mạnh với cây điều còn lân và kali thì phản ứng hơn. Khi cây đã vào giai đoạn kinh doanh, lượng đạm (N) được khuyến cáo 125kg/ha, lân (P2O5) là 50kg/ha và K2O là 100kg/ha. Nếu tính ra lượng phân thương phẩm thì khoảng 270kg phân ure, 300kg phân lân nung chảy và 170kg phân kali clorua. Lượng phân đạm thì khuyến cáo bón hai lần, lần đầu vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 6) và lần thứ hai là giữa mùa mưa (khoảng tháng 8). Đối với lân và kali khuyến cáo bón 1 lần vào giữa mùa mưa.
Đối với điều kiện ở Việt Nam thì các nhà khoa học đưa ra lượng phân bón cho cây điều trong giai đoạn kinh doanh (khi cây điều 3 năm tuổi), lượng phân đạm bón 2 lần, lần đầu 650g/cây, lần thứ hai 430g/cây; phân lân nung chảy hoặc super lân là 1,4kg/cây và phân kali clorua là 350g/cây. Phân lân thì bón 1 lần vào đầu mùa mưa (vào khoảng tháng 5-6) còn phân kali bón 2 lần như phân đạm. Khi cây trên 3 năm tuổi trở đi, lượng phân tăng thêm 20-30%. Chú ý khi tăng hoặc giảm thì phải kết hợp với năng suất thu được và tình trạng sinh trưởng của cây để điều chỉnh mức bón cho phù hợp.
Thứ ba là các nguyên tố trung lượng: cây điều cần nhiều nguyên tố lưu huỳnh, canxi và magie. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Úc người ta sử dụng phương pháp ước tính thành phần dinh dưỡng trong cây và ước tính lượng dinh dưỡng mà cây điều hút đi bằng phương pháp tính vật chất khô trong toàn bộ cả cây từ giai đoạn 1 năm tuổi đến 8 năm tuổi. Theo kết quả này thì hàm lượng nguyên tố lưu huỳnh trong cây điều cần nhiều nhất, kế đến là canxi và cuối cùng là magie, với số liệu cụ thể như sau: khi cây điều 4 năm tuổi, nguyên tố dinh dưỡng lưu huỳnh cây hút đi là 241g/cây, canxi là 216g/cây và magie là 108g/cây. Lượng dinh dưỡng này cũng tăng theo khi cây ở giai đoạn 5-8 năm tuổi. Qua đó cho chúng ta thấy một vấn đề là nhu cầu dinh dưỡng trung lượng cho cây điều rất quan trọng. Để bổ sung dinh dưỡng trung lượng canxi và magie bà con có thể chọn phân khoáng Dolomite (đô-lô-mít) với liều lượng 230-250g/cây. Để bổ sung dinh dưỡng lưu huỳnh bà con có dùng thạch cao bón với liều lượng 80-90g/cây. Ngoài ra trong thạch cao còn có canxi sẽ làm pH đất tăng lên, đất sẽ giảm độ chua. Lượng phân này chia làm 2 lần bón, vào đầu mùa mưa và giữa mùa mưa. Ngoài ra nếu không bón qua gốc chúng ta có thể dùng phân bón lá có chưa canxi và magie để phun cho cây.
Thứ tư là các nguyên tố vi lượng: cây điều cần nhiều vi lượng kẽm, bo và mangan. Kẽm sẽ nguyên tố thiết yếu trong sự hình thành của quá trình sinh trưởng và kết hợp với chất điều hòa sinh trưởng trong cây. Kẽm được tích lũy trong rễ nhưng không thể chuyển từ rễ đến để phát triển các bộ phận của cây. Bởi vì một vài quá trình chuyển đổi của kẽm chỉ xảy ra bên trong các bộ phận của tán cây, đặc biệt sự thiếu hụt đạm trong cây, triệu chứng thiếu kẽm thường xuất hiện trên những lá non. Khi thiếu kẽm lá non nhỏ, đọt non chùn lại, xảy ra ở đất axit và hầu hết tìm thấy ở đất cát. Ion kẽm không di chuyển trong đất bởi vì nó bị giữ lại bởi những keo đất. Do vậy việc bón phân qua đất không có tác dụng nhiều, khi có triệu chứng thiếu kẽm thì dùng phân bón lá có chứa kẽm để phun như MKZ hoặc kẽm ở dạng Chelate (ki-lét) như Zintrac (zin-trất).
Bo là nguyên tố vi lượng thiết yếu trong cây điều, bo thúc đẩy sự phân hóa mô, kéo dài rễ và tổng hợp thành tế bào, chuyển hóa carbohydrate và sự nẩy mầm của hạt phấn. Bo rất dễ bị thiếu trong điều kiện đất canh tác khô hạn. Bo cũng dễ bị rửa trôi trong đất và đây là sự thiếu hụt bo phổ biến ở cây trồng cũng như trên những vùng đất cát. Nguyên nhân xì mủ trên hạt điều có thể là do sự thiếu hụt bo. Để quản lý và sử dụng hợp lý bo cho cây điều thì bà con có thể sử dụng phân có chứa bo để bón như phân Borax (bo-rát) với liều lượng bón 10-15kg/ha sẽ cung cấp đủ lượng bo cho cây điều và cân bằng tình trạng dinh dưỡng trong cây. Ngoài ra bà con có thể sử dụng phân bón lá có chứa bo như phân bón lá Bortrac (bo-trất) để phun cho cây điều để cung cấp bo và tăng khả năng đậu trái, hạn chế rụng trái và xì mủ trái điều.
23/11/2424 | 48 Lượt xem
11/01/2525 | 61 Lượt xem
11/01/2525 | 25 Lượt xem
28/09/2424 | 91 Lượt xem
30/11/2424 | 46 Lượt xem
04/01/2525 | 29 Lượt xem
06/04/2424 | 153 Lượt xem
02/11/2424 | 59 Lượt xem
11/01/2525 | 33 Lượt xem
05/03/2424 | 194 Lượt xem