1. Giới thiệu:
Dinh dưỡng đa, trung và vi lượng đóng vai trò vô cùng to lớn trong hoạt động sinh lý của cây cà phê. Khi đáp ứng đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng mà cây cà phê cần cho hoạt động sinh lý (trao đổi chất, quang hợp, hô hấp...) giúp cây sinh trưởng và phát triển bình thường (ra hoa, đậu quả và cho năng suất cao, đảm bảo sản xuất có lãi). Ngược lại trong trường hợp vì lý do nào đó, dinh dưỡng không đáp ứng được cho nhu cầu hoạt động sinh lý, sinh hoá của cây thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển hạn chế và năng suất thu hoạch sẽ không cao. Việc phòng trị kịp thời về các triệu chứng thiếu dinh dưỡng cho cà phê sẽ góp phần đảm bảo sử dụng phân bón một cách hiệu quả và bền vững.
2. Vai trò của các nguyên tố dinh dưỡng đối với hoạt động sinh lý của cây cà phê và giải pháp khắc phục hiện tượng thiếu dinh dưỡng
2.1. Các nguyên tố đa lượng
2.1.1. đạm (N).
Hàm lượng N trong cây cà phê biến động từ 1,5 - 2,0% trọng lượng khô (trung bình cho thân, cành, lá). Chỉ tính trong lá thì hàm lượng này biến động từ 2,2 - 3,5 %, trong hạt chứa từ 3,5 - 4,5%.
Đạm được cây lấy từ đất ở dạng NH4+ và NO3-, sau đó kết hợp với các hợp chất mà cây đồng hóa được nhờ năng lượng của ánh sáng mặt trời để tạo thành các amino acid và protein. đạm là động lực cho quá trình sinh trưởng của cà phê bao gồm cả quá trình hình thành năng suất. đạm tham gia cấu thành năng suất từ 32,6 - 49,4%.
Cung cấp đầy đủ một lượng đạm thích hợp sẽ giúp cho cây hút các chất khác tốt hơn, đặc biệt là kali. Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, mất cân đối. Cà phê không có cây che bóng thì toàn cây lá có màu vàng, kích thước lá và chồi bị nhỏ hơn bình thường. Cây cà phê có cây che bóng chỉ có lá già bị vàng. Trường hợp thiếu đạm trầm trọng thì toàn cây bị vàng. Cây cà phê bị thiếu đạm được phát hiện bằng mắt thì hàm lượng đạm trong lá từ 1,3 - 1,8%.
Phòng trị: bón đầy đủ, cân đối đạm theo nhu cầu của cây tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Trường hợp muốn chữa trị nhanh có thể dùng dung dịch urê 0,1 - 0,3% hoặc dung dịch phân đạm sun phát amôn (SA) với nồng độ 0,3 - 0,5% phun 2 lần cách nhau 15 - 20 ngày. Sau đó bổ sung đạm vào đất.
2.1.2. Lân (P).
Hàm lượng lân trong lá, thân, cành biến thiên từ 0,07-0,15% P2O5, trong hạt chứa 0,35 - 0,50% P2O5 trọng lượng khô. Lân có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống rễ cà phê, đặc biệt là giai đoạn cà phê còn nhỏ. Lân giúp cho quá trình thụ phấn thụ tinh thuận lợi và hình thành quả tốt hơn, giúp cây dự trữ tinh bột, cùng với kali làm tăng khả năng chống chịu của cây. Lân chỉ tham gia cấu thành năng suất từ 7,8 - 8,6%. Thiếu lân thường xuất hiện ở lá già và ở các cành sai quả. Lúc đầu lá có màu vàng sáng, sau đó chuyển sang đỏ thẩm hoặc nâu đỏ pha tím, đôi khi có màu huyết dụ. đầu tiên lá biến màu ở một phần (thường ở ngọn lá), cuối cùng cả lá biến màu và rụng. Cây cà phê có triệu chứng thiếu lân khi hàm lượng P2O5 trong lá từ 0,05-0,08%.
Phòng trị: Cần quan tâm bón lân đầy đủ cho cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản. Nhất thiết khi trồng mới phải bón lượng lân từ 500 - 700gam (dạng phân nung chảy hoặc supe, nhưng tốt hơn hết nên dùng lân nung chảy).
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu cà phê trước đây) đối với cà phê kinh doanh trên đất nâu đỏ bazan ở Dak Lak việc bón lân không phải là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Chỉ cần bón một lượng từ 400 - 600kg lân nung chảy/ha (60 - 95kg P2O5) kết hợp với các biện pháp canh tác đồng bộ khác sẽ tạo điều kiện cho đất cung cấp một lượng lân hữu hiệu đáng kể cho cây đủ đáp ứng để đạt năng suất từ 3,5-5,0 tấn nhân/ha. Hiện tượng thiếu lân mà ta thường thấy ở các lô cà phê kinh doanh sau khi thu hoạch là vấn đề không nên lo ngại. Việc tưới nước tốt sẽ khắc phục hiện tượng này. Trường hợp bị thiếu trầm trọng có thể dùng hợp chất phốt phát kali (KH2PO4 hoặc K2HPO4) với nồng độ 0,3 - 0,4% để phun cho cà phê 2 lần, cách nhau 20-30 ngày nhằm chữa trị nhanh triệu chứng này
Bón phân lân quá nhiều, đặc biệt là lân nung chảy sẽ làm cho năng suất cà phê không tăng, có khi ngược lại vì lân sẽ kìm hãm việc hút kẽm của cà phê và gây đối kháng với kali trong đất, trong cây thông qua hàm lượng Ca, Mg chứa trong phân với một lượng cao đáng kể.
2.1.3. Kali (K).
Hàm lượng kali chứa trong cây theo phân tích của Viện KHKTNLN Tây Nguyên biến động từ 1,1 - 1,6% K2O, trong hạt từ 3,0 - 3,7% K2O. Kali tham gia vào hoạt tính của hơn 60 enzim, giúp hình thành và vận chuyển hydrat cacbon, tham gia trong quá trình tổng hợp protein và các hợp chất hữu cơ trong cây. Kali làm tăng khả năng hút nước của cây, giúp cây tăng được khả năng chịu hạn, chịu rét và chịu mặn. Bón đầy đủ kali giúp cây hút các chất dinh dưỡng khác tốt hơn. Kali có tác dụng làm giảm tỷ lệ rụng quả, tăng trọng lượng quả và trọng lượng nhân, do vậy làm tăng được giá trị thương phẩm, đồng thời
cũng làm cho cây ít bị nhiễm sâu bệnh hơn do cây sinh trưởng khỏe hơn. Kali tham gia cấu thành năng suất từ 27,4 - 44,7%. Thiếu kali thường thể hiện ở các lá già, trên cành mang nhiều quả. Các vệt màu nâu thường xuất hiện ở rìa mép lá, rồi lan dần vào giữa phiến lá, cuối cùng thì lá . Thời kỳ cây cà phê mang quả nếu thiếu thì quả rụng nhiều, vỏ quả có màu xám nâu, khi chín quả có màu vàng đỏ nâu, khô và không mọng nước, màu không tươi, nhân nhỏ hơn bình thường. Cây bị thiếu kali thì hàm lượng K2O trong lá dao động từ 0,9 - 1,3%.
Phòng trị: Bón đầy đủ lượng kali theo nhu cầu của cây dựa trên đặc tính đất đai của từng vùng và năng suất thu hoạch. Có thể dùng KH2PO4 hoặc K2HPO4 với nồng độ 0,3-0,4% để phun cho cà phê 2 lần, cách nhau 20-30 ngày nhằm chữa trị nhanh triệu chứng này.
2.2. Các nguyên tố trung lượng
2.2.1. Lưu huỳnh (S)
Hàm lượng S trong lá cà phê biến động từ 0,09 - 0,14% , trong hạt từ 0,12 - 0,16%. Lưu huỳnh tham gia tạo thành cloruaphyl là thành phần quan trọng của diệp lục đóng vai trò to lớn trong việc tổng hợp các hợp chất hữu cơ nhờ năng lượng của ánh sáng mặt trời. Lưu huỳnh tham gia tổng hợp 3 acid amin tạo thành protein, hoạt hóa men, tổng hợp vitamin…. đặc biệt nó tham gia trong việc cấu tạo các hợp chất thơm cho hạt cà phê, tăng cường tính chịu hạn và chịu nhiệt của cà phê. Thiếu lưu huỳnh thường thể hiện ở các lá non trên ngọn. Lá có màu vàng hoặc trắng, bị nặng lá có thể hơi nhỏ so với bình thường. Cần phân biệt được với trường hợp cà phê thiếu đạm là lá già bị vàng hoặc lá bị vàng trên toàn cây. Hiện tượng thiếu lưu huỳnh thường hay xuất hiện ở vườn cà phê kiến thiết cơ bản vào thời kỳ cuối mùa khô đầu mùa mưa. Lá cà phê bị thiếu lưu huỳnh có hàm lượng S trong lá từ 0,06 - 0,09%.
Phòng trị - Hàng năm bón một lượng phân có chứa gốc lưu huỳnh như SA (đạm sun phát amôn). - Dùng dung dịch SA nồng độ từ 0,3 - 0,5% phun 2 lần cách nhau 15 - 20 ngày để chữa bệnh thiếu lưu huỳnh cho cà phê. Cũng có thể dùng các loại phân bón lá có chứa S để phun cho cà phê nhằm phòng trị hiện tượng này ví dụ như phân bón lá chuyên dùng cho cà phê NUCAFE do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu sản xuất đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật cho phép chuyển giao sản xuất.
2.2.2. Canxi (Ca).
Hàm lượng Ca trong lá cà phê dao động từ 0,5 - 1,2%, trong hạt từ 0,4 - 0,7% (tính theo trọng lượng khô). Canxi tham gia chủ yếu vào cấu tạo tế bào, làm tăng tính chịu độc nhôm và mangan của cây. Hiện tượng thiếu canxi đối với cà phê thường hiếm thấy trên đồng ruộng. Tuy nhiên khi thiếu lá non bị vàng từ rìa lá lan dần vào giữa phiến lá. Lá có màu xanh tối dọc hai bên gân chính của lá, có khi màu xanh này rất nhạt. Khi bị nặng, lá già cũng có triệu chứng như trên. Lá cà phê bị thiếu canxi có hàm lượng Ca trong lá từ 0,4 -0,7%. Vùng đất xám granit thuộc huyện Chư Păh (Công ty Cà phê Quang Vinh) có tỷ lệ cây bị thiếu Canxi khoảng từ 4 - 7 %.
Phòng trị: Hầu hết đất trồng cà phê có lượng canxi hiệu dụng trong đất khá đủ để đáp ứng cho nhu cầu của cà phê. Việc
bón lân nung chảy hàng năm cũng bổ sung một lượng đáng kể canxi cho cây. Trường hợp bị thiếu canxi có thể bón vôi
với liều lượng 500-700kg/ha, 2 - 3 năm bón một lần. Bón bột đôlômit thì lượng từ 2.000 - 3.000kg/ha.
2.2.3. Magiê (Mg).
Hàm lượng Mg trong lá biến động từ 0,3 - 0,5%, trong hạt từ 0,2 - 0,35%. Magiê là thành phần chính trong diệp lục, là nhà máy hấp thu năng lượng mặt trời để tổng hợp chất hữu cơ thông qua quá trình quang hợp. Magiê cũng tham gia vào các phản ứng enzim liên quan đến sự chuyển hóa năng lượng của cây. Triệu chứng thiếu Magiê được phát hiện trên cây cà phê ở lá già, màu vàng bắt đầu từ gân chính, sau lan rộng dần ra rìa lá. Dọc theo gân chính và gân phụ còn lại những vệt xanh thẫm tạo nên dạng hình xương cá có màu xanh trên nền vàng. Sau đó lá chuyển sang màu vàng sẫm hoặc nâu rồi rụng. Khi thiếu Mg hàm lượng Mg trong lá biến động trong khoảng 0,15 – 0,25%. Hiện tượng này xuất hiện rải rác trên một số diện tích ở Ea kar, Krông Buk (đak Lak); đak Mil (đak Nông) Chư Sê, Chư Prông và Ia Grai (Gia Lai); đak Hà (Kon Tum) với tỷ lệ khoảng 2 - 5% số cây trên vườn.
Phòng trị: Bón lân nung chảy là hình thức cung cấp Magiê cho cây cà phê.Thiếu Magiê cách chữa nhanh nhất là phun Magiê Nitrat (Mg(NO3)2) hoặcMagiêSunphat (MgSO4) nồng độ 0,2 - 0,4% từ 2 - 3 lần cách nhau 15 - 20 ngày.
2.3. Các nguyên tố vi lượng chủ yếu
2.3.1. Kẽm (Zn).
Hàm lượng kẽm trong lá cà phê biến thiên từ 10 - 15ppm (phần triệu). Trong 1tấn hạt có chứa khoảng 10 - 15gam. Kẽm làm tăng tính chịu hạn, chịu nóng, thúc đẩy việc sử dụng và chuyển hóa đạm, lân trong cây. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân hóa mầm hoa, thụ phấn, thụ tinh và hình thành quả. đất có thành phần cơ giới nhẹ hiện tượng thiếu kẽm khá phổ biến và gây tác hại nghiêm trọng. Triệu chứng thiếu kẽm thể hiện đầu tiên ở trên ngọn hoặc các lá non ở đầu cành. Lá nhỏ hơn bình thường, rìa lá bị cong cả hai bên và có dạng hình mũi mác, lá có màu xanh vàng nhạt, đốt bị ngắn lại, nên người ta thường gọi là bệnh rụt cổ. Hiện tượng thiếu kẽm thường xuất hiện vào các tháng 7, 8, 9 có khi rải rác quanh năm. Những năm mưa nhiều thì tỷ lệ cây bị thiếu kẽm cao hơn và ngay trên cùng một cây cà phê không phải toàn bộ cành lá đều bị, điều này có liên quan đến các quá trình sinh lý, sinh hóa xảy ra trong cây. Thiếu kẽm cây cà phê không phân hóa được mầm hoa, hạn chế khả năng thụ phấn của hoa, tỷ lệ rụng quả rất cao, có khi lên đến 70 - 90%.
Tỷ lệ cành bị khô cũng rất cao. Khi cây bị thiếu kẽm thì hàm lượng Zn trong lá thường vào khoảng 5-8 ppm. Năng suất giảm từ 30 - 70% Tại Gia Lai triệu chứng thiếu kẽm đối với cây cà phê là khá phổ biến với tỷ lệ cây bị trung bình từ 15 - 30% xuất hiện ở Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, đak đoa, có nhiều vùng như Công ty Cà phê Chư Păh tỷ lệ này lên đến 60 - 70% số cây với mức độ từ trung bình đến nặng. Dak Lak (Krông Pach, Ea Kar, Krông Buk...) tỷ lệ diện tích bị thiếu kẽm có khi tới 40 - 50%; song tỷ lệ cây bị thiếu Zn chỉ biến động từ 7 - 15%.
Phòng trị: Cần bổ sung các loại phân có chứa kẽm định kỳ để đáp ứng cho nhu cầu của cây. Khi thiếu kẽm cần phun dung dịch sunphát kẽm (ZnSO4.7H2O) với nồng độ 0,2 - 0,4% vào tháng 6, 7 hai lần cách nhau 20 - 25 ngày. Biện pháp này có tác dụng nhanh. Có thể bón vào đất với lượng từ 15 - 25kg ZnSO4.7H2O/ ha.
2.3.2. Bor (B).
Hàm lượng B trong lá từ 30 - 50 ppm, trong 1 tấn hạt chứa từ 10 - 16gam. B có vai trò trong việc tăng số đốt, số cành dự trữ, tăng số mầm hoa. B cũng có tác dụng kích thích sự nẩy mầm của hạt phấn, sự tăng trưởng của túi phấn, giúp cho quá trình hình thành quả xảy ra thuận lợi. Hiện tượng thiếu B thường xảy ra trên đất xám có thành phần cơ giới nhẹ. Khi bị thiếu B lá cà phê bị nhỏ lại và ngắn hơn, rìa lá không bình thường, các chồi ngọn hay bị khô, các cành ngang hay bị chết. Hiện tượng cành thứ cấp mọc thành chùm có dạng hình rẽ quạt. Lá có màu xanh ô liu hay xanh vàng nhạt ở nửa
cuối lá. Cây bị thiếu B thì hàm lượng B trong lá khoảng 15 - 25ppm. Tại Gia Lai trường hợp thiếu B được thể hiện trên lá cà phê rất hiếm khi tìm thấy trên đồng ruộng.
Phòng trị: Cần chú ý bón vào đất khoảng 30 - 60gam borax (Na3B4O7)/cây/năm. Hoặc phun borax nồng độ 0,4%, hoặc acid boric (H3BO3) nồng độ 0,3% 2 lần cách nhau 20 - 25 ngày cho hiệu quả nhanh.
2.3.3. Sắt (Fe).
Hàm lượng Fe trong lá từ 50 - 75 ppm, trong 1 tấn nhân từ 40 - 80gam. Sắt không có vai trò rõ ràng đối với sinh trưởng và phát triển của cà phê. Sắt chỉ làm cho màu hạt cà phê đẹp hơn. Trên đất trồng cà phê ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng thì hiện tượng cây cà phê bị thiếu sắt rất hiếm khi xảy ra vì pH của đất thấp (4,0 - 5,5) và hàm lượng hữu cơ không cao nhưng hàm lượng sắt trong đất lại cao. Thiếu sắt các lá non hơi chuyển vàng song gân lá vẫn còn xanh có dạng hình mắt lưới. Thiếu sắt hạt cà phê có thể bị vàng. Khi bị thiếu sắt thì hàm lượng Fe trong lá biến động từ 15 - 35ppm. Phòng trị: Bón chelat sắt hoặc phun sunphát sắt (FeSO4nH2O) thì hiệu quả tốt hơn phun. Lượng bón từ 15 - 20 gam/ cây.
2.3.4. Mangan (Mn).
Hàm lượng Mn trong lá từ 30-50 ppm, trong hạt giao động từ 20-40gam. Mangan có vai trò xúc tiến quá trình quang hợp của cây xảy ra tốt hơn. Trên đất có pH thấp rất hiếm xảy ra hiện tượng thiếu Mangan. Tuy nhiên đối với đất rất chua thì ngộ độc Mangan lại dễ xảy ra. Thiếu Mangan thì lá ở đầu cành (cặp lá trưởng thành cuối cùng) từ màu vàng hơi xanh sang màu vàng vỏ chanh có xen vệt trắng. Lúc này hàm lượng Mn trong lá từ 10 - 20ppm.
Phòng trị: Khi bị thiếu Mn, phun dung dịch sunphát mangan (MnSO4) 0,4% cùng với nước vôi Ca(OH)2 0,2% là có hiệu quả nhanh nhất.
@Một vài điều đáng chú ý:
* Hiện tượng thiếu các nguyên tố N, P, K, Ca, Mg, S, Zn, B…đối với cây cà phê không chỉ do bón phân thiếu hoặc chưa đủ các nguyên tố đó mà còn do có khi ta bón một lượng phân bón quá cao, nhưng lại mất cân đối nghiêm trọng giữa các nguyên tố dinh dưỡng
. * Trường hợp bón đạm quá cao thì cây cà phê không hút kali được vì vậy dẫn đến hiện tượng cây thiếu kali. Hoặc có khi bón đạm với lượng cao nhiều năm liên tục gây chua đất, hàm lượng nhôm di động trong đất cao, kìm hãm sự hấp thu dinh dưỡng của hệ rễ hoặc gây thối đầu rễ tơ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng đối với cây, trong đó đạm thể hiện đầu tiên. Tùy theo nhu cầu các chất dinh dưỡng của cây theo từng giai đoạn mà cây cà phê biểu hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng cụ thể của từng nguyên tố.
Ví dụ : khi cây cà phê bị bệnh rễ trong giai đoạn quả lớn nhanh thì triệu chứng thiếu kali sẽ thể hiện đầu tiên, hoặc có khi trên cây thể hiện nhiều triệu chứng cùng một lúc.
Bón kali cao không cân đối với đạm thì cây cà phê có khả năng bị thiếu Canxi hoặc Magiê.
Bón lân cao thì cây cà phê không có khả năng hút được kẽm. Bón lân nung chảy cao thì cây cà phê dễ bị thiếu kali, thiếu Bor…
* Cũng lưu ý là khi cây cà phê bị các bệnh gây hại rễ thì triệu chứng thiếu đạm, lân và kali , magiê rất dễ xuất hiện. Do vậy khi triệu chứng thiếu dinh dưỡng xảy ra đối với cà phê thì ta cần xem xét đầy đủ các yếu tố chủ quan (do bón phân) hoặc khách quan như tình hình bệnh, đặc biệt là bệnh hại rễ cà phê để có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả.
(Nguồn: TS. Trương Hồng (Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên)
28/09/2424 | 47 Lượt xem
21/10/2424 | 49 Lượt xem
02/11/2424 | 28 Lượt xem
06/04/2424 | 128 Lượt xem
18/09/2424 | 45 Lượt xem
19/10/2424 | 43 Lượt xem
05/03/2424 | 153 Lượt xem
03/08/2424 | 101 Lượt xem
13/09/2424 | 49 Lượt xem
05/03/2424 | 161 Lượt xem