Nhiều bà con trồng hồ tiêu phản ánh rằng, thời gian qua hồ tiêu bị chết nhanh rất nhiều. Tình trạng này không những xảy ra ở Phú Quốc – nơi được mệnh danh là vương quốc hồ tiêu, mà tại các địa phương khác cũng có.
Hiện tượng hồ tiêu chết nhiều khiến cho người trồng lo lắng cho sản phẩm này. Nhiều người trồng nôn nóng bón phân, thuốc để tăng năng suất, điều này khiến cho hồ tiêu bệnh càng nặng hơn.
Theo các tài liệu hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ NNPTNT (BVTV), bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora spp gây ra. Trong đó, 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại nặng nhất. Bệnh chết chậm do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và nấm trong đất. Một số loài tuyến trùng nội ký sinh, ngoại ký sinh gây hại như Meloidogyne spp, Meloidogyne incognita, Rotylenchulus reniformis, Tylenchus sp, trong đó gây hại chủ yếu là giống Meloidogyne spp gây ra các nốt u sưng trên rễ; các loài nấm trong đất gây hại như Fusarium solani, Lasiodiplodia theobromae, Rhizoctonia solani, Pythium sp,… ngoài ra, rệp sáp hại rễ làm tăng mức độ bệnh.
Theo nhận định của Cục BVTV, hiện người trồng hồ tiêu có 2 loại hình sản xuất khá rõ rệt là trồng diện tích lớn và trồng quy mô nhỏ. Người có diện tích lớn (từ hàng ngàn trụ trở lên) thường xử lý thuốc BVTV định kỳ, dùng hỗn hợp nhiều loại, tăng liều lượng với mong muốn tăng năng suất và bảo vệ hồ tiêu bằng mọi giá mà ít quan tâm đến sản phẩm. Người có diện tích nhỏ (thường là vài chục đến vài trăm trụ tiêu) hầu hết là trồng trong vườn nhà, vườn tạp. Do diện tích ít nên bà con ít quan tâm đến các quy trình canh tác hay quy trình phòng chống sâu bệnh mà chủ yếu học hỏi nhau hoặc theo hướng dẫn của người bán phân bón, thuốc BVTV.
Một số ít gia đình có chăn nuôi thì có bón phân hữu cơ nhưng thường không đủ lượng, còn lại đa số không quan tâm hoặc không có điều kiện kinh tế để mua phân chuồng bón cho hồ tiêu. Việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân có diện tích nhỏ thường sử dụng không đúng chủng loại, đối tượng và liều lượng. Bên cạnh đó, người trồng tiêu có diện tích nhỏ lại thường là đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nên càng ít có điều kiện và khả năng tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật. Như vậy, dù nông dân có diện tích lớn hay nhỏ cũng chỉ quan tâm đến thuốc BVTV hóa học mà ít quan tâm đến các biện pháp canh tác hồ tiêu bền vững.
Mặc dù dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu có ảnh hưởng đến giá tiêu của Việt Nam, nhưng do nông dân vẫn bán được hàng, thậm chí với giá cao nên việc tuyên truyền chưa có tác dụngnhiều. Đây là khó khăn rất lớn của ngành BVTV trong việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất hồ tiêu an toàn và bền vững.
Theo Cục BVTV, kết quả khảo sát sơ bộ ở các vùng trồng tiêu trọng điểm cho thấy, nhiều nông dân không áp dụng theo hướng dẫn, nhất là các biện pháp canh tác rất hữu hiệu để phòng chống bệnh hiệu quả.
TS Bùi Xuân Phong, Cục BVTV cho rằng, tính chất quyết định trong việc phòng bệnh, hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm là biện pháp canh tác phù hợp. Cần chú ý thoát nước trong mùa mưa. Nên đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh). Nếu đất có độ dốc cao đào theo hình xương cá, rãnh thoát nước chính sâu trên 50cm xung quanh vườn. Vào đầu mùa mưa phải phá bồn giữ nước quanh gốc tiêu (nếu có) để chống đọng nước. Trụ tiêu tốt nhất nên trồng trụ sống bằng các loại cây cây keo dậu, bông gòn, muồng, lồng mức,... thay thế trụ bê tông hoặc trụ gỗ.
Bón phân NPK cân đối, chú trọng bón phân hữu cơ, ủ xác thực vật vào gốc tiêu để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa có tác dụng giữ ẩm đất vào mùa khô, vừa phát huy hệ vi sinh vật có ích và hạn chế bệnh. Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên.
Sau khi thu hoạch, tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột với lượng 1.000kg/ha, chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây) hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước (500 - 700kg/ha) để khử trùng nguồn bệnh. Song song với các biện pháp canh tác, cần ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc BVTV an toàn để phòng, trừ bệnh.
“Trường hợp trong vườn tiêu có trụ bị bệnh chết nhanh hoặc bệnh chết chậm cần xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl aluminium, Azoxystrobin + Difenoconazole, Dimethomorph, Phosphorous acid, … liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Những trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh đồng ruộng; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại”.
Hiện nay, Cục BVTV đã ban hành Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu để các địa phương tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn và bền vững. Bà con nông dân có thể liên hệ với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện để áp dụng quy trình sử dụng đúng, hiệu quả.
Trống tiêu chớ nên chạy theo lợi nhuận trước mắt
Hồ tiêu được coi là một trong những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn của thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu. Những năm giá hồ tiêu tăng đột biến, trong khi giá một số nông sản khác tụt giảm, nông dân ở nhiều vùng chuyển qua trồng hồ tiêu một cách tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy.
Theo quy hoạch thì đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của cả nước ổn định khoảng 50 ngàn héc ta, nhưng hiện nay thực tế đã tăng hơn gấp 2 lần. Dù diện tích tăng khá cao nhưng sản lượng lại bị giảm sút mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh chết nhanh, chết chậm gây ra. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Phú Quốc, nơi được coi là thủ phủ hồ tiêu, mà xảy ra hầu hết ở các địa phương có trồng hồ tiêu. Đây là cái giá phải trả cho việc trồng cây tiêu ồ ạt, chỉ tính lợi nhuận đơn giản trước mắt, mà không nghĩ đến lâu dài của bà con nông dân.
Khi trồng ồ ạt thì không chọn kỹ giống đạt chuẩn mà gặp loại nào mua loại đó, nhiều lúc mầm bệnh từ trong bầu đất, hoặc từ cây giống; trồng trên nền đất không phù hợp, thiếu nước, chưa xử lý hết tuyến trùng hại rễ từ trong đất; không theo quy hoạch, kèm theo sự thiếu am hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên đã gây thiệt hại lớn cho nông dân. Nếu tình trạng chạy đua theo giá trị kinh tế của loại cây trồng này không được kiểm soát, nông dân không phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững thì thiệt hại ngày càng lớn hơn.
Tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ lên đến trên 10 năm, do đó đòi hỏi người trồng phải có tay nghề cao và rất công phu. Vì vậy, nhiều địa phương, ngoài việc khuyến cáo bà con không nên trồng mới trên đất nằm ngoài vùng quy hoạch tập trung, còn thường xuyên tập huấn cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững theo hướng VietGap hoặc GlobalGap để ổn định và có năng suất cao, chất lượng tốt.
Mới đây, tại huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổng kết chương trình ‘’Xây dựng mô hình hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất hồ tiêu theo GlobalGap từ năm 2014 đến 2016 đã cho thấy, nhờ áp dụng kỹ thuật mà bệnh chết nhanh, chết chậm đã được khống chế, năng suất tăng cao hơn đối chứng từ 18-52%.
Từ kinh nghiệm này, cho thấy không thể chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bà con mình phải tuân thủ quy trình trồng tiêu theo khuyến cáo của các nhà khoa học để đảm bảo lợi ích ổn định lâu dài.
Lê Quốc Phong
23/11/2424 | 48 Lượt xem
11/01/2525 | 61 Lượt xem
11/01/2525 | 25 Lượt xem
28/09/2424 | 91 Lượt xem
30/11/2424 | 47 Lượt xem
04/01/2525 | 29 Lượt xem
06/04/2424 | 153 Lượt xem
02/11/2424 | 59 Lượt xem
11/01/2525 | 33 Lượt xem
05/03/2424 | 194 Lượt xem